Tin tức thiết kế, thi công, phong thủy

Tổng hợp những mẫu thiết kế nhà thờ họ đẹp, những cách bố trí nội thất trong nhà thờ họ, hướng dẫn chuyển nhượng đất ở để xây dựng nhà thờ họ

Cấu trúc không gian đô thị cao tầng tại tp Đà Nẵng

1.Đặt vấn đề.

Đà Nẵng, một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn và bên bờ biển Đông. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Đà Nẵng nhiều lợi thế về cảnh quan đẹp, nổi tiếng: từ “cổng trời” Hải Vân – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Non Nước – Ngũ Hành Sơn đến bán đảo Sơn Trà tráng lệ. Nếu đứng từ “cổng trời” Hải Vân, nhìn xuôi về phía Nam nơi con sông Hàn chảy qua, đổ vào vùng cửa vịnh Đà Nẵng (với khoảng 30 km bờ biển có nhiều bãi biển đẹp) mới cảm nhận hết vẻ quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố này… Hơn nữa, Đà Nẵng lại nằm giữa vùng kề cận ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mĩ Sơn. Đây là những lợi thế hiếm có của một đô thị biển.

Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây với điểm kết thúc là cụm cảng Tiên Sa – Liên Chiểu. Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã phát triển mạnh và tương đối thành công. Với ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian, đô thị Đà Nẵng được mở rộng không gian về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam. Trước mắt ưu tiên phát triển theo hướng Tây Bắc, khu vực giữa quốc lộ 1A và đường Liên Chiểu – Thuận Phước (đường Nguyễn Tất Thành). Đồng thời mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, các thị trấn, thị tứ và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị vệ tinh Đà Nẵng… Phát triển các khu du lịch Nam Ô, Xuân Thiều, Mĩ Khê, Bắc Mĩ An (Purama), Non Nước…

Tuy nhiên, trong thực tế, còn có ý kiến nghi ngờ về sự phát triển bền vững của đô thị này. Bởi Đà Nẵng dường như đang phát triển quá mạnh, quá “bạo”, đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Hệ thống khung thiên nhiên không được bảo toàn một cách tốt nhất, các yếu tố cây xanh, mặt nước (biển, sông, hồ) chưa được khai thác có hiệu quả. Cấu trúc đô thị chưa hẳn đảm bảo để phát triển bền vững…Liệu Đà Nẵng có mắc phải những tồn tại giống như các đô thị khác (Nha Trang, Vũng Tàu) khi mở những tuyến đường đô thị quá lớn, tạo nên sự ngăn cách giữa biển và không gian đô thị? Diện mạo kiến trúc Đà Nẵng, kiến trúc đôi bờ sông Hàn ở đâu, nhất là kiến trúc trên tuyến đường mới mở ven biển ở phía Đông, có nét nào riêng, ấn tượng cho Đà Nẵng? Có phải biểu tượng là kiến trúc công trình Tòa nhà Hành chính tập trung?… Các dự án qui hoạch đô thị, du lịch (nhất là du lịch) có bị án ngữ mặt tiền của biển, ngăn cách làm ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể chung, cản trở việc tiếp cận của cộng đồng dân cư với biển, hoặc việc các công trình cao ốc, khách sạn, nhà hàng cao hàng chục tầng, dày đặc đã, đang và sẽ mọc lên bên bờ biển, vô tình sẽ tạo bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư phía trong đô thị và gây mất mỹ quan cho mặt tiền của biển như các công trình kiến trúc cao tầng trên tuyến đường Trần Phú, TP. Nha Trang hiện nay ?…

2.Suy nghĩ về cấu trúc không gian đô thị Đà Nẵng.

– Quan điểm: Về lý thuyết, cấu trúc không gian đô thị hình thành trên cơ sở xác định đúng các động lực phát triển đô thị, nói cách khác là các yếu tố tạo thị. Đây là kết quả của tư duy chiến lược vùng với tầm nhìn vĩ mô. Tuy nhiên, trong tổ chức không gian đô thị cụ thể, nhận dạng đúng và phát huy được các giá trị cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương, như một tài nguyên như là động lực phát triển của đô thị, góp phần định dạng hình thái không gian đô thị hiện đại và bản sắc (Bỏ qua những cấu trúc không gian đô thị được hình thành bằng ý chí của con người).

Đối với TP. Đà Nẵng, để đạt được mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Quan điểm chính cần chú trọng là:

(i) Bảo tồn, coi trọng “Cấu trúc cảnh quan tự nhiên” – Trụ cột của phát triển môi trường bền vững. Trên cơ sở đó xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố xanh thông minh.

(ii) Ưu tiên dành quĩ đất để phát triển các khu chức năng, các đầu mối hạ tầng kĩ thuật mang tính vùng, quốc gia, quốc tế; các khu chức năng đô thị đặc sắc, sinh động, hấp dẫn, các trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, du lịch… (là các nhân tố tạo dựng đô thị trung tâm cấp vùng, đô thị biển) trong cấu trúc đô thị;

(iii) Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở phân vùng qui hoạch gắn với đặc điểm điều kiện tự nhiên và chức năng sử dụng. Lồng ghép các nội dung này vào Qui chế quản lí qui hoạch – kiến trúc chung toàn đô thị;

(iv) Xác định khả năng dung nạp/ngưỡng phát triển tối ­ưu, phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng với qui mô dân số 2,5 triệu người vào năm 2030; Mở rộng, khai thác hiệu quả quĩ đất; dự trữ nguồn tài nguyên đất đai dành để phát triển trong tư­ơng lai;

(v) Tăng cường hệ thống, phương tiện giao thông công cộng đô thị theo hướng xanh, thông minh, thân thiện với môi trường; các kết nối nhanh, thuận tiện, an toàn (đường bộ, đường thủy, đường hàng không) gắn kết Đà Nẵng với vùng phụ cận, khu vực và quốc tế…

– Đặc điểm cảnh quan tự nhiên: TP Đà Nẵng có đặc điểm cấu trúc địa hình đa dạng, phong phú, có đồi núi, đồng bằng; có hệ thống mặt nước biển, sông, hồ, cảnh quan thiên nhiên; có hệ sinh thái ven biển gắn với gía trị đặc sắc từng vùng văn hóa Quảng Nam – Đà Nẵng xưa. Đây là hệ khung thiên nhiên cơ bản có giá tr, không những góp phần làm tăng chất lượng môi trường sống mà còn tạo nên bản sắc riêng cũng như sự hấp dẫn và tính cạnh tranh cao trong đô thị. Hệ khung thiên nhiên cơ bản này sẽ là nền tảng để duy trì, phát triển “Hệ thống cấu trúc xanh” (gồm đặc điểm địa hình, cây xanh và mặt nước) trong cấu trúc tổng thể của TP Đà Nẵng.

Đặc điểm các thành phần cảnh quan tự nhiên có thể nhận biết thông qua yếu tố địa hình và các tài nguyên tự nhiên mà Đà Nẵng sở hữu. Đó là: (i) khu vực đồng bằng ven các con sông; (ii) khu vực ven biển (Đông, phía Đông Nam); (iii) khu vực đồi núi (phía Tây). 


– Đối với khu vực đồng bằng ven các sông, đặc biệt là ven sông Hàn, do nằm ở cửa sông (đổ ra vịnh Đà Nẵng) có nhiều thuận lợi về đất đai, cốt nền xây dựng, lại gắn kết thuận lợi về đường bộ, hàng không, đường thủy trong nước và quốc tế… Đây là vùng đất nền móng để lựa chọn xây dựng TP Đà Nẵng từ thuở ban đầu. Đây chính là khu vực đô thị lõi lịch sử của TP. Đà Nẵng hiện nay.

Riêng đối với khu vực đồng bằng ven các con sông Cẩm Lệ, Đô Tòa (phía Nam thành phố), thực tế là vùng sinh thái lưu vực các con sông này, mới được đưa vào cấu trúc đô thị của thành phố trong những lần qui hoạch gần đây… Do là vùng đất mới lại chưa có điều kiện để phát triển, lấp đầy theo qui hoạch, nên có điều kiện để xem xét nghiên cứu điều chỉnh về mô hình, cấu trúc, các chỉ tiêu phát triển trong qui hoạch thành phố lần này.

– Đối với khu vực ven biển (Đông, phía Đông Nam/quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn): Là vùng đất gắn với cảnh quan sinh thái biển. Là khu vực với chức năng thương mại, du lịch, vui chơi giải trí nằm trong cấu trúc đô thị Đà Nẵng đã được phê duyệt… Tuy nhiên, để khai thác tốt yếu tố cảnh quan biển tương xứng với vai trò, vị thế của một đô thị biển tần cỡ châu Á, có thương hiệu, Đà Nẵng có cơ hội để rà soát, xem xét lại một số khu vực ven biển để có giải pháp tái cấu trúc lại hợp lí, hiệu quả hơn.

– Khu vực đồi núi (phía Tây): Là vùng đất có địa hình cao ráo, cảnh quan tự nhiên đa dạng (cây xanh, sông, suối), lại chưa được nghiên cứu khai thác nhiều. Trong điều chỉnh qui hoạch lần này, đây là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển các khu đô thị mới, trung tâm mới (có tính chất vệ tinh, tương đối độc lập), mở rộng không gian thành phố về phía Tây, giảm sức ép vào khu vực trung tâm thành phố (đang có nguy cơ quá tải).

Việc duy trì, bảo vệ tối đa, khai thác có hiệu quả các đặc điểm vùng cảnh quan, mặt nư­ớc các con sông, mặt nước ven biển/nhất là diện tích mặt nước ven biển; vùng sinh thái nông, lâm nghiệp phía Bắc, Tây thành phố/là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị/tạo dựng hình ảnh đô thị biển đặc sắc có giá trị.

– Cấu trúc không gian đô thị: Lấy yếu tố cảnh quan tự nhiên (mặt nước – biển, sông, đầm, hồ, núi và đồng bằng) làm trụ cột chính để lựa chọn cấu trúc không gian và tổ chức không gian đô thị phù hợp với Đà Nẵng. Và như vậy, hướng nước như là một trong những nguyên tắc lựa chọn cấu trúc không gian và tổ chức không gian đô thị Đà Nẵng. Nguyên tắc này chi phối việc lựa chọn, trước hết: Quy mô và hình thức các đơn vị đô thị khác nhau tùy thuộc vào vị trí cụ thể. 

“Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” và “cấu trúc xanh” TP. Đà Nẵng 


Theo đó, cấu trúc không gian đô thị tổng thể gồm khu vực đô thị lõi lịch sử; trục cảnh quan sông Hàn – trục hành chính, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, lịch sử, đào tạo, TDTT; Các khu trung tâm dịch vụ, tài chính, du lịch, nghỉ ngơi giải trí chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, một phần vòng cung vịnh Đà Nẵng, khu vực đèo Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà… (Trong đó nhấn mạnh các trục không gian ven biển phía Đông, vịnh Đà Nẵng, khu vực đèo Hải Vân; trục không gian hai bờ sông Hàn, Cẩm Lệ, Đô Tòa…); Tạo dựng các trục cảnh quan theo lưu vực các con sông Cu Đê, Cổ Cò…; Hoàn thiện, mở rộng qui mô, tăng cường chất lượng hoặc xây dựng mới để nâng cao hiệu quả các khu có chức năng là đầu mối vùng (như công nghiệp, TTCN, cảng hàng không, cảng biển quốc tế, logistic…). Với cấu trúc này cần xác định khả năng dung nạp/ngưỡng phát triển tối ưu, phù hợp với tầm nhìn của thành phố Đà Nẵng. 

Cấu trúc không gian tổng thể thành phố Đà Nẵng 


3.Suy nghĩ về phát triển kiến trúc cao tầng tại TP Đà Nẵng

– Điều chỉnh qui hoạch khu vực phía Đông thành phố: Ở giai đoạn trước mắt, Đà Nẵng cần rà soát các dự án phát triền đô thị, du lịch (Nhất là các dự án du lịch)…chậm triển khai làm cơ sở tái cấu trúc lại qui hoạch vùng phía Đông ven biển, trên nguyên tắc tạo ra được các tuyến không gian mở/không gian xanh hướng biển (để dẫn được nhiều luồng sinh khí và năng lượng cho đô thị), phá bỏ sự ngăn cách giữa cảnh quan, môi trường biển với không gian đô thị phía trong, đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi đối tượng, thích ứng với BĐKH, NBD. Kiên quyết không sử dụng giải pháp lấn biển để phát triển du lịch, đô thị… Cụ thể:

+ Mở tuyến đi bộ (mặt cắt không cần lớn) – đây là tuyến cảnh quan ven biển song song với tuyến đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa. Tuyến này được bắt đầu từ bãi tắm T20, suôi về phía Nam giáp với địa phận Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) để kết nối với Hội An sau này.

+ Mở các tuyến không gian xanh/lối xanh kết nối đô thị với biển tại các vị trí:

(i) Tuyến AH17 (vuông góc với đường Trường Sa) kéo dài hướng ra biển;

(ii) Tuyến Minh Mạng (vuông góc với đường Trường Sa) kéo dài hướng ra biển;

(iii) Khu vực Ngũ Hành Sơn;

(iv) Bãi Non Nước;

(v) BRG Đà Nẵng Golf Resort…

Giải pháp này thông qua “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” trong cấu trúc tổng thể đô thị sẽ tạo ra vành đai xanh ven biển kết hợp với lối xanh (tuyến đi bộ – cảnh quan) và các không gian xanh/không gian mở ven biển. 

Sơ đồ minh họa ý tưởng tái cấu trúc qui hoạch khu vực phía Đông TP. Đà Nẵng 


+ Giảm mật độ xây dựng tại các dự án phát triển du lịch, tăng độ thông thoáng để có cơ hội tiếp cận cảnh quan biển bằng thị giác thông qua các ranh giới xanh/tường rào xanh của các khu du lịch và tiếp cận trực tiếp thông quan các tuyến không gian xanh/lối xanh kết nối giữa đô thị và biển.

+ Chính quyền đô thị, các chủ đầu tư và người dân cần có sự trao đổi và đông thuận về việc tái cấu trúc lại qui hoạch vùng phía Đông ven biển, trên cơ sở lợi ích chung bền vững vì một tương lai của một đô thị biển đáng sống, đẳng cấp châu Á. 

Hình ảnh minh họa cho tuyến đi bộ – tuyến cảnh quan ven biển song song với tuyến đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa. 


– Phát triển xây dựng kiến trúc cao tầng trong đô thị. Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị biển chịu nhiều tác động lớn khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển. Bởi việc xây dựng này sẽ nhanh chóng mang đến một diện mạo kiến trúc cảnh quan mới, được coi là hiện đại mà trước đây đô thị không có được (Tuyến đường Trần Phú của TP Nha Trang là một ví dụ). Trong điều chỉnh QHC TP. Đà Nẵng lần này có thể xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển đô thị như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao… Và có thể áp dụng mô hình “đô thị nén/mật độ cao” hoặc khả năng điều chỉnh cao tầng theo mô hình TOD ở một số vị trí được lựa chọn cụ thể, trong đó có khu vực trung tâm, đầu mối giao thông quan trọng và khu vực ven biển (Phía Tây các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa) trong cấu trúc tổng thể toàn đô thị. Tuy nhiên, phải trên quan điểm bảo vệ, khai thác tốt yếu tố cảnh quan, bản sắc và giá trị di sản đặc thù của đô thị, đảm bảo các yêu cầu về an toàn bay của sân bay quốc tế Đà Nẵng (khu vực hành lang kĩ thuật “tĩnh không đầu và không sườn” của sân bay).

Xem xét, hoàn chỉnh đồ án thiết kế đô thị – Quy định quản lý kiến trúc xây dựng Khu vực ven biển nằm trên trục đường Hoàng Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp (đoạn từ đường Trần Nguyên Hãn đến đường quy hoạch 10,5m giáp ranh tỉnh Quảng Nam) là khu vực nằm tại vị trí ven biển thành phố Đà Nẵng (Do Viện Qui hoạch xây dựng Đà Nẵng NC), khu vực có tính chất đặc biệt quan trọng cũng là tâm điểm phát triển nóng về các công trình cơ sở hạ tầng của thành phố, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồ án được thiết lập trên cơ sở thực trạng, ý tưởng qui hoạch (Có lồng ghép nội dung Điều chỉnh qui hoạch khu vực phía Đông thành phố như đã trình bày ở trên) và chấp thuận một số dự án đã có chủ trương, đồ án quy hoạch chi tiết, các quy định về thiết kế đô thị, phương án kiến trúc, chỉ tiêu kiến trúc đã được phê duyệt và ban hành, làm công cụ để quản lí qui hoạch, xây dựng. Tại khu vực này, phần lớn đất thương mại đã được đầu tư xây dựng, đất ở bao gồm các nhóm công trình thuộc khu vực chỉnh trang, khu vực theo quy hoạch cũ và khu vực nằm trên các trục đường, chủ yếu là các công trình thuộc nhóm công trình chuyển đổi kinh doanh dịch vụ thương mại, loại hình kinh doanh nghỉ dưỡng, khách sạn, kinh doanh sân golf, cho thuê văn phòng, ăn uống, mua bán hàng hóa… Các công trình trong khu vực có tầng cao trung bình được phân chia theo nhóm:

+ Các công trình khu vực kiệt hẻm, khu vực chỉnh trang có tầng cao: 3- 4 tầng;

+ Các công trình trên các trục đường có tầng cao: 7- 9 tầng;

+ Các công trình trên các trục đường có tầng cao: 10- 19 tầng;

+ Các công trình trên các trục đường có tầng cao: trên 20 tầng;

+ Các công trình trên các trục đường có tầng cao: theo quy hoạch;

Trên trục đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa – Lạc Long Quân có công trình DaNang Time Square cao 50 tầng và Tổ hợp Soleil Ánh Dương cao 57 tầng…giữ vai trò là điểm nhấn đô thị…

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý việc xây dựng nhà cao tầng ven biển có thể vô tình sẽ tạo bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư phía trong đô thị và gây mất mỹ quan cho mặt tiền của biển như bài học của TP. Nha Trang đã cảnh tỉnh…



Công trình cao tầng ven biển có thể vô tình sẽ tạo bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư phía trong đô thị và gây mất mỹ quan cho mặt tiền của biển. 

5.Thay cho lời kết.

Hiểu rõ và nhận thức đúng vai trò, vị thế và tầm quan trọng của các đô thị biển, trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển đã, đang và sẽ luôn chú trọng quan tâm khai thác hiệu quả những đặc điểm cấu trúc cảnh quan tự nhiên để phát triển đô thị có thương hiệu, bền vững. Về cơ bản, Đà Nẵng hội tụ đủ các yếu tố địa – kinh tế – chính trị quan trọng cho việc thực hiện ý tưởng phát triển cấu trúc một đô thị biển có đặc điểm riêng, với các yếu tố cảnh quan, các công trình kiến trúc, nhất là kiến trúc cao tầng hài hòa, thân thiện, hướng tới tầm nhìn trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định.