Tin tức thiết kế, thi công, phong thủy

Tổng hợp những mẫu thiết kế nhà thờ họ đẹp, những cách bố trí nội thất trong nhà thờ họ, hướng dẫn chuyển nhượng đất ở để xây dựng nhà thờ họ

Hội thảo thiết kế Nara về "Tính chân xác" của kiến trúc Nhật

Trong Hội thảo Nara về Tính chân xác (thuộc khuôn khổ Công ước Di sản Quốc tế) được tổ chức tại Nara – Nhật Bản tháng 11/1994, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, tổ chức CCROM và ICOMOS đã chính thức thông qua Văn kiện Nara về Tính chân xác (Nara Document on Authenticity, dưới đây gọi tắt là Văn kiện Nara), đây là một trong những đóng góp quan trọng của Nhật Bản vào hệ thống công ước quốc tế về bảo tồn Di sản Văn hóa.

Văn kiện Nara 1994 gồm có 13 mục nội dung và 02 phụ lục, trong đó sự mở rộng khái niệm Giá trị (Values) và Tính chân xác (Authenticity), đề cập từ mục 9 đến mục 13 trong văn kiện này được nhận thức theo tinh thần của Hiến chương Venice 1964 (đây là văn bản khung, và là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng đối với công tác bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa trên toàn Thế giới). Theo đó, dễ dàng nhận thấy Văn kiện Nara đã thực hiện đồng thời ba hạng mục lý luận quan trọng dưới đây:

  • Một là, bổ sung khái niệm về Đa dạng Văn hóa và Đa dạng Di sản;
  • Hai là, làm rõ khái niệm Giá trị cấu thành Di sản;
  • Ba là, làm rõ khái niệm Tính chân xác của các nguồn thông tin cung cấp.

1. Đa dạng Văn hóa và Đa dạng Di sản

Về mặt biện chứng, đa dạng di sản là hệ quả tất yếu của đa dạng văn hóa, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của UNESCO là: Di sản văn hóa của từng cộng đồng là di sản văn hóa của tất cả nhân loại [1]. Vì vậy, việc bảo vệ, tăng cường đa dạng văn hóa và di sản trong thế giới của chúng ta như một khía cạnh thiết yếu cho sự phát triển của loài người [2].

Theo đó, sự phát triển của xã hội loài người nói chung và của từng cộng đồng dân tộc nói riêng không thể không dựa trên sự kế thừa lịch sử và truyền thống của mỗi dân tộc. Đa dạng di sản sẽ làm phong phú thêm và đảm bảo cung cấp nguồn Gen văn hóa tươi mới để từ đó mỗi cộng đồng dân tộc có thể tự phát triển bền vững. “Lưu truyền là bản năng tự nhiên của mọi sự sống. Lưu truyền vô thức đảm bảo cho sự tiến hóa. Lưu truyền hữu thức đảm bảo cho sự phát triển … Hình thức lưu truyền ấy mệnh danh là Bảo tồn” [3]. Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa là hình thức lưu truyền hữu thức, trước hết để đảm bảo cho sự phát triển văn hóa của chính cộng đồng dân tộc ấy và rộng hơn nữa là đảm bảo cho sự phát triển văn hóa của nhân loại.
Khái niệm Đa dạng Văn hóa và Đa dạng Di sản của Văn kiện Nara đã mở rộng khung nhận diện di sản, từ đó rất nhiều thể loại công trình kiến trúc truyền thống hoặc sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa của các dân tộc trên Thế giới đều có thể trở thành ứng viên Di sản Văn hóa của quốc gia mình hoặc Di sản Văn hóa Thế giới.

2. Giá trị cấu thành Di sản

Di sản nói chung bao gồm các nhóm giá trị sau [4]:

a) Giá trị Tình cảm (Emotional Values), trong đó bao gồm: Giá trị kỳ quan, bản sắc, tính liên tục của truyền thống, sự khâm phục và lòng tôn kính, biểu tượng và tinh thần;

b) Giá trị Văn hóa (Cultural Values), trong đó bao gồm: Giá trị tư liệu, lịch sử, khảo cổ học và niên đại, thẩm mỹ và kiến trúc, cảnh quan và sinh thái, khoa học và công nghệ;

c) Giá trị sử dụng (Future Usage Values), trong đó bao gồm: Giá trị chức năng, kinh tế và xã hội, giáo dục và chính trị.

Các nhóm giá trị trên đây được thẩm định, hoặc được nhận biết sau khi di sản đã hình thành, hoặc đã được công nhận, đây cũng là các tiêu chí đánh giá công nhận cấp độ và các loại hình Di sản Văn hóa.

Văn kiện Nara 1994 làm rõ nguồn gốc sản sinh các nhóm giá trị này thông qua khái niệm “Giá trị cấu thành di sản” (cái gì, như thế nào, khi nào và ở đâu để tạo nên những giá trị đó của di sản) được thể hiện rõ ở Mục 6 (Đa dạng di sản văn hóa tồn tại theo thời gian và không gian) và Mục 9 (hình thức và thiết kế, vật liệu và vật chất, phương thức sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và khung cảnh, tinh thần và cảm giác, và các yếu tố bên trong và bên ngoài khác). Như vậy, trước khi di sản và các giá trị của nó được hình thành thì đã tồn tại mầm mống hình hài di sản tiềm ẩn bên trong truyền thống của cộng đồng dân tộc sản sinh ra nó. Đây là một sự đề xuất khái niệm luận táo bạo và hoàn toàn xác đáng xuất phát từ truyền thống và thực tại công tác bảo tồn, trùng tu di sản kiến trúc Nhật Bản, tầm bao quát của nó không chỉ dừng lại trong khuôn khổ địa giới hành chính đất nước Nhật Bản mà còn có thể vượt không gian, thời gian để lan tỏa đến nhiều quốc gia khác trên Thế giới, trong đó gần nhất và tương đồng về mọi mặt là Di sản

Kiến trúc Việt Nam.

Từ khái niệm này, không khó để liên tưởng đến khái niệm ADN di sản. Điều mà người Nhật muốn trình bày thông qua Văn kiện Nara về bảo tồn, tái thiết di sản kiến trúc giống như cách “nhân bản vô tính” chú Cừu Dolly trong sinh học để từ đó khai thông hành lang pháp lý quốc tế cho việc tái thiết những di sản kiến trúc quí giá đã bị mất trong quá khứ mà trường hợp điển hình là công cuộc tái thiết Hoàng cung Nara, Nhật Bản.

3.Tính chân xác của các nguồn thông tin cung cấp

Tính xác thực về nguồn tư liệu di tích đã được đề cập lần đầu tiên trong Điều 9 Hiến chương Venice 1964, nhưng chỉ dừng lại ở khuôn khổ tư liệu chứng minh nguồn gốc xác thực của di sản. “Tính chân xác” của các nguồn tư liệu cung cấp đề cập ở Mục 13 của Văn Kiện Nara 1994 bao gồm cả ý tưởng thiết kế, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật, phương thức sử dụng, thời gian, không gian hình thành nên di sản và các giá trị của nó. Như vậy, nội hàm khái niệm này rất rộng (về lượng) và trở nên quan trọng (về chất), mở ra triển vọng to lớn cho công cuộc bảo tồn và tái thiết di sản kiến trúc của nhiều quốc gia khác trên thế giới nếu nhận thấy có sự tương đồng về hệ qui chiếu văn minh, văn hiến và văn hóa.

Từ đây, khái niệm Di sản (Heritage) và Di tích (Monument) được phân biệt rõ ràng hơn: Di sản Kiến trúc sẽ có thể là những kiến trúc vật được tạo nên bằng cách tiếp tục không lai tạp nguồn AND cũ của nó (hình 1); Di tích Kiến trúc là một thực thể kiến trúc vật bao gồm trong đó một tổ hợp vật kiến trúc nguyên gốc không thể tái tạo mà chỉ có thể bảo tồn nguyên trạng hình hài và giá trị vốn có của nó. Như vậy, di tích kiến trúc là bản mẫu duy nhất, còn di sản kiến trúc có thể là phiên bản “N” của bản mẫu đó.

Hình 1. Tỉ lệ kiến trúc Kiwari và kỹ thuật Kiku – nguồn ADN di sản kiến trúc Nhật Bản được bảo tồn
 

Về nội hàm ngữ nghĩa quốc tế, di sản là tài sản để lại (Heritage) và kế thừa (Inheritance) là sự tiếp nối di sản đó. Khái niệm “Di sản sống” (Livingling Heritage) cần phải được hiểu đúng và tương xứng nội hàm ngữ nghĩa trên đây. Trong bối cảnh luận bàn này, sự liên tục của truyền thống và tính nguyên vẹn của các giá trị cấu thành di sản luôn đóng vai trò quyết định trong việc thẩm định các mặt giá trị di sản.

Về phương diện xã hội, di sản là nguồn gen bền vững giúp củng cố và tái sinh bản sắc văn hóa; về phương diện kỹ thuật công nghệ, sự hiểu biết đầy đủ và thấu đáo về AND di sản sẽ giúp tái tạo được di sản; về phương diện bảo tồn, nguồn “gen” văn hóa và ADN di sản sẽ giúp cho công cuộc bảo tồn đạt tới đích giá trị xác thực hay tính chân xác (chất lượng bảo tồn); về phương diện kinh tế, thành quả bảo tồn sẽ thu hút được tình cảm và khôi phục lòng tôn kính của cộng đồng đối với lịch sử thông qua di sản, từ đó kinh tế du lịch sẽ phát triển.

Biểu hiện của Tính chân xác trong bảo tồn Di sản Kiến trúc Nhật Bản

  • Sự minh chứng xác thực bằng tư liệu về di sản:
    • Tư liệu lịch sử chính thống (chính sử) và các nguồn sử liệu tham khảo;
    • Nguyên lý và phương pháp thiết kế;
    • Sự hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật và công nghệ truyền thống.
  • Sự xác thực về vật liệu xây dựng, hình thức kiến trúc, cấu trúc và khả năng duy trì.
  • Tính nguyên vẹn và liên tục của kỹ thuật truyền thống, khả năng ứng dụng của chúng vào công tác trùng tu, tái thiết di sản.
    Những định hướng cơ bản trong công tác bảo tồn Di sản Kiến trúc Nhật Bản
    Những kinh nghiệm và thành tựu bảo tồn ở Nara đã giúp người Nhật đưa ra được những định hướng mang tính chiến lược trong hoạt động bảo tồn, trùng tu và tái thiết di sản kiến trúc là:
  • Nghiên cứu toàn diện về di sản trước khi tiến hành can thiệp vào di sản, công tác trùng tu phải đạt được mục tiêu cao nhất là gìn giữ tới mức tối đa các yếu tố cấu thành gốc và vật liệu kiến trúc nguyên gốc ngay cả khi nó tồn tại ở vị trí khởi nguyên (từ thời điểm công trình được xây dựng), hoặc không khởi nguyên (sau những lần công trình được trùng tu mà vị trí các yếu tố cấu thành gốc đã bị xáo trộn);
  • Duy trì sự tồn tại vật lý của di sản đồng thời với việc bảo tồn các chứng cứ liên quan đến các thời kỳ lịch sử của di sản là nhiệm vụ trọng yếu của hoạt động bảo tồn, trùng tu di sản kiến trúc;
  • Sử dụng vật liệu chân xác (đồng chủng loại và tương đồng về tính chất lý, hóa) và kỹ thuật xây dựng truyền thống là tiêu chuẩn hàng đầu và tiên quyết để gìn giữ giá trị chân xác;
  • Vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống là nền tảng kỹ thuật cho công tác trùng tu, tái thiết di sản kiến trúc. Các giải pháp kỹ thuật và vật liệu thay thế mới chỉ được phép áp dụng một khi vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống không thể đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật bảo tồn nhằm duy trì sự tồn tại của công trình di sản kiến trúc;
  • Mọi giải pháp bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa phải được cân nhắc kỹ lưỡng bằng sự hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật công nghệ truyền thống và phải được soi rọi bằng kiến thức khoa học hiện đại.

Bảo tồn, Trùng tu và Tái thiết Di sản

Nội hàm khái niệm

Bàn về công tác bảo tồn, trùng tu và tái thiết di sản kiến trúc không thể không đề cập đến Hiến chương Bura 1979, cung cấp những hướng dẫn cụ thể cho công tác bảo tồn và quản lý các địa điểm di sản văn hóa dựa trên tinh thần Hiến chương Venice 1964. Hiến chương Bura được thông qua bởi Hội đồng ICOMOS Quốc gia Úc (the Australian National Committee of ICOMOS) tháng 8/1979, bản sửa đổi được thông qua tháng 2/1981, tháng 4/1988 và tháng 11/1999.

Những phạm trù khái niệm được đề cập xuyên suốt trong tham luận này bao gồm: Bảo tồn (Conservation), Trùng tu (Restoration), Tái thiết (Reconstruction) mà đối tượng hướng tới của chúng là: Di sản (Heritage), Di sản Văn hóa (Cultural Heritage) và Di sản Kiến trúc (Architectural Heritage).

Di sản là gì ?

Di sản là tất cả những tài sản hoặc truyền thống để lại từ quá khứ mà vẫn còn ý nghĩa và giá trị đối với hiện tại cũng như tương lai [5] .

Trong lúc đó, khái niệm Di tích (Monument) lại được định nghĩa hẹp hơn và cụ thể hơn: “Di tích có thể là một tảng đá, cột trụ, di chỉ khảo cổ, cấu trúc hoặc một công trình kiến trúc được dựng lên ghi nhớ về người chết, một sự kiện hoặc một hành động đã xảy ra. Cũng là một điểm đánh dấu vĩnh viễn, chẳng hạn như một ranh giới bằng đá định vị một góc hay một phạm vi di sản” [6].

Di sản Văn hóa là gì ?

Di sản Văn hóa những sản phẩm văn hóa vật chất (hữu hình) và sản phẩm văn hóa tinh thần (vô hình) đã được sản sinh thông qua lịch sử bằng phương cách sử dụng văn minh (hệ qui chiếu văn hóa) và sự đúc kết kinh nghiệm lịch sử có chọn lọc (văn hiến) bằng các hình thức lưu truyền hữu thức của mỗi cộng đồng dân tộc.

Di sản Kiến trúc là gì ?

Di sản kiến trúc là những đơn nguyên hoặc quần thể công trình kiến trúc được xây dựng bằng công nghệ và vật liệu truyền thống, là yếu tố hữu hình của Không gian và Thời gian tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử, vẫn còn ý nghĩa và giá trị đối với hiện tại cũng như tương lai.

Bảo tồn – Trùng tu – Tái thiết (di sản kiến trúc) nên được hiểu như thế nào? Nội hàm quan hệ giữa chúng ra sao? – Dưới đây, tôi xin trích dẫn đối sánh định nghĩa trong Từ điển Minh họa Bảo tồn Kiến trúc của Ernest Burden (Illustrated Architectural Preservation/IAP) và nội dung tương ứng được mô tả trong Hiến chương Bura:

Với những định nghĩa trên đây của các tài liệu trích dẫn, tôi xin đưa ra cách diễn giải nội hàm khái niệm như sau:

  • Bảo tồn là cách tích lũy di sản để làm phong phú quỹ di sản nhân loại;
  • Trùng tu là cách nhận biết di sản để chứng minh và làm rõ các mặt giá trị di sản;
  • Tái thiết là cách đọc hiểu di sản để trình bày phương cách hình thành di sản.

Như vậy, Bảo tồn là khái niệm “mẹ” của Trùng tu và Tái thiết.

Bảo tồn di sản kiến trúc không chỉ đơn thuần là giữ cho công trình kiến trúc còn đó mà còn phải gìn giữ tất cả những gì liên quan đến sự tồn tại của nó.
Nếu Di tích Kiến trúc (Architectural Monument) là tài sản vật chất hữu hình (Tangible Property), là cái duy nhất và không thể tái tạo thì Di sản Kiến trúc (Architectural Heritage) là một loại hình Tài sản văn hóa (Cultural Property) bao gồm cả yếu tố hữu hình (Tangible) và yếu tố vô hình (Intangible). Yếu tố hữu hình được hiểu là sự hiện hữu của nó bao gồm cả bản vẽ thiết kế; yếu tố vô hình bao gồm ý tưởng thiết kế và tất cả những kiến thức, sự hiểu biết về nó dựa trên tính xác thực của các nguồn tư liệu cung cấp và yếu tố “tự sinh” dựa trên nguồn ADN di sản được lưu truyền.

Bảo tồn là gốc của sự Sáng tạo, là mặt đối lập và tồn tại song hành với sự Phá hủy, tất cả đều là tập hợp con của sự Phát triển. Ở đây, tôi học cách tư duy của Hindu giáo với biểu tượng của ba vị Thần: Thần Shiva – Hủy diệt, thần Brahma – Sáng tạo, thần Vishnu – Bảo tồn. Trong bộ “Tam thần” này, thần Shiva là hiện thân của tất cả bao gồm: Sáng tạo – Sự khởi đầu mới; Bảo tồn – Bảo lưu tinh túy; Phá hủy – Loại bỏ tác hại. Như vậy Shiva cũng biểu trưng cho sự Phát triển.

Ở phương diện văn hóa – xã hội, nếu phát triển không dựa trên sự kế thừa truyền thống (đến từ bảo tồn) thì sự phát triển đó thiếu gốc và không bền vững; nếu phá hủy không có bảo tồn thì không có cái để kế thừa, “Bảo tồn” và “Phá hủy” là cặp phạm trù đối lập, từ đó sản sinh sự “Sáng tạo”; nếu “Bảo tồn” không vì mục đích “Sáng tạo”, mà sự “Phát triển” là động lực, thì hoạt động bảo tồn đó vô nghĩa.

Xét theo nghĩa này, Bảo tồn và Phát triển không hề đối nghịch, Bảo tồn chính là sự đảm bảo cho Phát triển bền vững. Đây là vấn đề tồn tại lâu nay trong luận bàn về “Bảo tồn”, “Phát triển” ở Việt Nam dẫn đến những quyết sách vội vã với lý do bất cập.

Như vậy, sự phá hủy có cần thiết hay không? Khái niệm Phá hủy nên được hiểu như thế nào? Tôi nghĩ là rất cần thiết và cần được đề cập trong này:
Thứ nhất, sự Phá hủy hiểu theo nghĩa thông thường là tàn phá (Destroy) vô thức hay hữu thức gây ra bởi chiến tranh hoặc thiên tai. Đây là vấn đề khách quan của Thế giới và của Địa cầu. Nhưng cũng chính sự tàn phá này đã thức tỉnh nhân loại cần có động thái lưu truyền ký ức thông qua việc bảo tồn những sản phẩm vật chất và tinh thần do mình tạo nên thông qua lịch sử để làm bản gốc tham khảo, âu đó cũng là khía cạnh tiến hóa của loài người;
Thứ hai, sự phá hủy hiểu theo nghĩa lịch sử là loại bỏ (Reject) những cái cũ không hợp thời, làm cản trở bước tiến xã hội. Đây cũng là vấn đề khách quan của duy vật biện chứng lịch sử mà sản phẩm của nó là các cuộc cách mạng, âu đó cũng là khía cạnh phát triển của xã hội loài người thông qua việc thay đổi các thể chế chính trị hoặc thay đổi cơ chế quản lý vĩ mô;

Thứ ba, sự phá hủy hiểu theo nghĩa chuyên môn bảo tồn là xóa bỏ (Remove) những lớp bồi đắp thông qua thời gian phủ lấp giá trị di sản bằng hoạt động trùng tu, tái thiết di sản;

Thứ tư, sự phá hủy hiểu theo nghĩa nhận thức là đả phá (Fighting) cách hiểu thiển cận về công tác bảo tồn, trùng tu và tái thiết di sản văn hóa. Sẽ vô cùng nguy hại cho tương lai di sản nếu những việc làm tưởng chừng như “sứ mạng cao cả” của chúng ta hôm nay chính là tác nhân trực tiếp làm cho di sản văn hóa dân tộc bị méo mó sai lệch so với bản gốc và suy giảm giá trị, như vậy chính những người trực tiếp làm công tác quản lý bảo tồn di sản văn hóa và những nhà thầu thi công trùng tu di tích kiến trúc là những người phải chịu trách nhiệm trước lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng lại rất dễ được biện minh bởi sự bất cập của cơ chế.

Sự đúc rút kinh nghiệm bảo tồn di sản kiến trúc Nhật Bản và khả năng ứng dụng vào Việt Nam

Quần thể Di tích Huế (Complex of Hue Monuments) là di sản đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 12/1993, sự kiện này đã tạo sự phấn kích và niềm tự hào về văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam cả trong nước lẫn nước ngoài. Sau đó, hàng loạt các khu di sản khác cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Tangible) như: Thánh địa Mỹ Sơn (12/1999); Phố cổ Hội An (12/1999); Hoàng Thành Thăng Long (7/2010) và Thành Nhà Hồ (6/2011). Theo đó, nguồn ngân sách nhà nước và vốn tài trợ quốc tế dành cho các dự án trùng tu di tích kiến trúc gia tăng đáng kể.

Hình 2. Nghiên cứu toàn diện về di sản của dự án tái thiết Touinteien (Đông Viện Đình Viên)
 

Dưới đây, tôi xin đề cập một vài hạng mục đối sánh quan trọng giữa công tác bảo tồn di sản kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam được đúc rút từ thực tiễn hoạt động bảo tồn của hai quốc gia những thập niên gần đây để các nhà chuyên môn và quí độc giả cùng tham khảo.

1.Nghiên cứu toàn diện về di sản (hình 2)

  • Nghiên cứu tư liệu lịch sử (Historical study);
  • Nghiên cứu khảo cổ học (Archaeological Study);
  • Nghiên cứu phương pháp thiết kế và tỉ lệ kiến trúc (Architectural designing method and Architectural propotion study);
  • Nghiên cứu thực nghiệm kết cấu xây dựng (Exprimental construction study)
  • Nghiên cứu mỹ thuật (Arts study);
  • Nguyên cứu kỹ thuật và vật liệu xây dựng truyền thống (Traditioanl technique and Construction materials study);
  • Nghiên cứu hóa nghiệm bảo quản (Chemical preservation study);
  • Nghiên cứu sinh học và môi trường (Biological and Invironmental study).

Các dự án bảo tồn, trùng tu di sản ở Việt Nam chủ yếu thực hiện được ở các khâu nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, kiến trúc và một phần của các vấn đề kỹ thuật truyền thống. Những nghiên cứu liên quan khác nếu không được thực hiện một cách nghiêm túc để hiểu và lường trước được những nguy cơ tiềm ẩn đối với di sản sẽ làm giảm thiểu chất lượng trùng tu và khả năng duy trì sự tồn tại công trình di sản kiến trúc sau khi trùng tu.

2.Báo cáo nghiên cứu trước trùng tu

Sự thiếu vắng các dự án nghiên cứu cơ bản về công trình di sản kiến trúc trước khi lập dự án trùng tu là một thực tại ở Việt Nam. Thông thường ở Nhật Bản, các dự án nghiên cứu bảo tồn được phân biệt rõ ràng với các dự án trùng tu. Sản phẩm của dự án nghiên cứu bảo tồn là những báo cáo khoa học toàn diện về di sản, trong đó bao gồm hệ thống kiến thức khoa học về di sản và sự thẩm định di sản một cách khoa học và khách quan, có vai trò định hướng cho các dự án trùng tu, tái thiết di sản kiến trúc. Sản phẩm của các dự án trùng tu, tái thiết di sản là thực thể kiến trúc vật được phục hồi đúng với nguyên bản vào thời kỳ mà nó bộc lộ giá trị cao nhất. Ở Việt Nam, chưa có loại hình các dự án nghiên cứu bảo tồn này, hoặc nếu có chỉ là những cuộc khảo sát, khảo cứu tổng quát về di sản phục vụ cho phần Thuyết minh dự án, mang nặng tính chất quản lý hơn là nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt tính chất của dự án bảo tồn, dự án trùng tu và dự án tái thiết di sản. Như đã đề cập ở mục 2.1 (Nội hàm khái niệm) trên đây, và theo Điều 14 của Hiến chương Bura, cách đặt tên các dự án cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên sự định hướng của những báo cáo nghiên cứu trước trùng tu, vì chính tên gọi dự án sẽ thể hiện nội dung công việc thực hiện và mục tiêu mà dự án phải đạt được.

3. Bảo tồn cấu kiện nguyên gốc

Tôn trọng và bảo tồn đến mức tối đa các cấu kiện nguyên gốc là nhiệm vụ trọng yếu của công tác trùng tu hạ giải. Trong trương hợp này, nếu công tác hóa nghiệm bảo quản được thực hiện tốt thì tỉ lệ cấu kiện nguyên gốc và các thành phần gốc cấu thành thực thể di sản sẽ được bảo tồn cao hơn, đặc biệt đối với di sản kiến trúc gỗ. Việc thay thế ồ ạt và thiếu cân nhắc các cấu kiện nguyên gốc, trong một vài trường hợp, sẽ làm suy giảm nghiêm trọng giá trị di sản. Hóa nghiệm bảo quản là công cụ hữu ích góp phần đảm bảo chất lượng trùng tu, bảo tồn di sản kiến trúc (hình 3).

Hình 3. Bảo tồn cấu kiện nguyên gốc và các chứng cứ lịch sử trong quá trình trùng tu hạ giải
 

4. Nhà bao che phục vụ trùng tu

Nhà bao che, trong thuật ngữ của sử liệu triều Nguyễn gọi là “Cái tế”, tức là khái niệm này đã tồn tại trước đó trong hoạt động sửa chữa, cải tạo kiến trúc dưới triều Nguyễn. Nhà bao che (hình 4) có tác dụng tích cực trong suốt quá trình trùng tu hạ giải. Trong điều kiện làm việc có mái che, tránh được nắng nóng và mưa dầm, người thợ sẽ có đủ kiên nhẫn và sự cẩn thận trong các thao tác kỹ thuật. Mặt khác, nhà bao che sẽ giúp bảo quản tốt các cấu kiện kiến trúc đã được hạ giải hoặc cấu trúc xây dựng đã được phân rã, làm giảm thiểu quá trình phân hủy tự nhiên của vật liệu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, làm giảm thiểu sự đông cứng tức thời của vôi vữa truyền thống trong quá trình tu bổ nền móng, xây tường và lợp ngói mà đó chính là nguyên nhân gây nứt, dẫn đến hiện tượng mao dẫn, tích tụ ẩm và gây dột trên toàn cục của hệ mái sau khi trùng tu.

Nhà bao che đạt chuẩn cho công tác trùng tu cần phải bao che được 5 mặt tiếp xúc với không gian bên ngoài (mái lợp và 4 mặt còn lại), và phải trụ vững được trong suốt quá trình trùng tu cho đến lúc công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Có thể vì lý do tài chính hoặc sự nhận thức chưa đầy đủ về mức độ quan trọng, nên nhà bao che trong các dự án trùng tu ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, hoặc chỉ được thực hiện chiếu lệ.

5.Báo cáo khoa học sau khi trùng tu

Báo cáo khoa học sau khi trùng tu không chỉ đơn thuần là hồ sơ hoàn công phục vụ công tác thanh quyết toán khối lượng. Dự án trùng tu bảo tồn di sản kiến trúc khác hoàn toàn với dự án đầu tư xây dựng kiến trúc, tuy nhiên phần lớn qui trình và các điều kiện để thực hiện thanh quyết toán khối lượng lại được áp dụng Luật Xây dựng, từ đó dẫn đến cách làm “vôi vữa hóa” công tác trùng tu bảo tồn di sản văn hóa của chúng ta.

Báo cáo khoa học sau trùng tu đem lại lợi ích lâu dài cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, bởi vì: Thứ nhất, nó là sự đúc kết lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về bảo tồn; Thứ hai, nó là một dạng hồ sơ khoa học di sản quí giá có giá trị tham khảo lâu dài; Thứ ba, nó là cơ sở pháp lý cho việc thanh quyết toán, giải ngân kinh phí đầu tư trùng tu bảo tồn di sản.

6. Hóa nghiệm bảo quản

Hóa nghiệm bảo quản là công việc thường trực luôn được thực hiện trước, trong và sau khi trùng tu, giúp có thể duy trì khả năng tồn tại của công trình di tích kiến trúc, giúp tái sử dụng một lượng lớn các cấu kiện nguyên gốc và thành phần gốc cấu thành thực thể di sản, làm chậm lại quá trình tự phân hủy của vật liệu và gìn giữ được “màu thời gian” của công trình di tích kiến trúc (hình 5, 6). Rất tiếc, công tác nghiên cứu hóa nghiệm bảo quản lại chưa được coi trọng và áp dụng triệt để trong các dự án trùng tu di sản kiến trúc ở Việt Nam.

7. Trùng tu hạ giải

Đặc điểm di sản kiến trúc gỗ của các nước đồng văn châu Á, trong đó có Việt Nam, là sự tổ hợp của các cấu kiện bằng gỗ (Timber) theo phương pháp lắp ghép mộng để hình thành hệ khung gỗ chịu lực. Chính đặc điểm cấu tạo này cho phép thực hiện giải pháp trùng tu hạ giải (bán phần hoặc toàn phần) đối với các công trình di tích kiến trúc gỗ.

Lợi ích của giải pháp này là cho phép can thiệp sâu vào cấu trúc chịu lực và giúp giải một cách quyết triệt để các vấn đề kỹ thuật của hệ khung gỗ, giúp hiểu được nhiều thông tin liên quan đến lịch sử tu bổ công trình. Tuy nhiên, mặt trái của nó là rất dễ dàng đi đến quyết định thay thế một lượng lớn cấu kiện nguyên gốc mà chỉ dựa trên cảm tính, và nguy cơ hủy hoại chứng cứ liên quan đến lai lịch và lịch sử tu bổ của công trình (hình 7, 8). Trùng tu hạ giải là cần thiết đối với di sản kiến trúc bằng gỗ, tuy nhiên cần phải hết sức thận trọng, từng cấu kiện cần phải đánh dấu bằng hệ thống ký hiệu kỹ thuật (truyền thống hoặc hiện đại) để đảm bảo cho việc tái lắp dựng không bị nhầm lẫn, và cần phải rất thận trọng trong việc thay thế cấu kiện nguyên gốc, điều tiên quyết là công tác hóa nghiệm bảo quản phải được tiến hành đồng thời nếu thực hiện giải pháp trùng tu hạ giải.

Giới thiệu các dự án trùng tu và tái thiết di sản điển hình

Trong phần dưới đây tôi xin giới thiệu hình ảnh về một số dự án trùng tu, tái thiết di sản điểm hình của Nhật Bản và Việt Nam nhằm cung cấp cho quí độc giả cái nhìn đối sánh giữa công cuộc bảo tồn di sản văn hóa của hai quốc gia có nền văn hóa gần gũi và sự tương đồng về các loại hình di sản kiến trúc.

Dự án trùng tu

1. Dự án trùng tu Chùa Toshodaiji (Nara, Nhật Bản)

Di tích kiến trúc Chùa Toshodaiji (唐招提寺/Đường Đề Chiêu Tự, (hình 9) ở Nara là một trong những di tích kiến trúc gỗ có niên đại sớm được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ đại còn lại của Nhật Bản, được xây dựng năm 759, là một trong những công trình được UNESCO xếp hạng Di tích Lịch sử Thế giới thời Nara cổ đại (Historic Monument of Ancient Nara), trùng tu lần gần đây nhất vào năm 2004 bằng giải pháp trùng tu hạ giải toàn phần (từ nền móng, hệ khung cho đến hệ mái).

2. Dự án trùng tu công trình Ngọ Môn (Huế, Việt Nam)

Di tích kiến trúc Ngọ Môn (午門) được xây dựng năm Minh Mạng thứ 13 (1833), thuộc Quần thể Di tích Kiến trúc Huế – Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam. Ngọ Môn là cổng chính nằm trên trục Dũng đạo, hướng Tí – Ngọ của Hoàng Thành Huế, được trùng tu lần gần đây nhất vào năm 2014 – 2018 bằng giải pháp trùng tu hạ gải bán phần (chỉ hạ giải toàn bộ hệ mái và hệ khung gỗ, phần đế công trình được tu bổ theo nguyên trạng, (hình 10).

Hình 10. Ngọ Môn trong quá trình trùng tu (năm 2015)
và sau khi trùng tu (năm 2018)
 

Dự án tái thiết

1. Dự án tái thiết công trình Suzakumon (Nara, Nhật Bản)

Công trình Suzakumon (朱雀門/Chu Tước Môn) là cổng chính của Hoàng Cung Nara được xây dựng ở trung tâm phía Nam của Kinh đô Nara xưa. Suzaku có nghĩa là chim Chu Tước đỏ ở hướng Nam, một trong năm yếu tố ngũ hành của kinh đô Phong Thủy theo học thuyết Trung Hoa cổ đại. Công trình này đã bị mất, nền móng của nó bị vùi sâu dưới lòng đất từ lâu trong quá khứ cùng với số phận của Hoàng Cung Nara.

Năm 1993, sau 75 năm ròng rã nghiên cứu tính từ khi dấu tích Hoàng Cung Nara được phát hiện vào năm 1918, chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho tái thiết công trình này. Đến tháng 12/1998 thì dự án tái thiết Suzakumon hoàn thành đúng dịp khu di tích Khảo cổ học Nara được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, đây là thành quả to lớn đầu tiên của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Nhật Bản đã được Thế giới công nhận (hình 11).

Hình 11. Phế tích nền móng Suzakumon và công trình Suzakumon sau khi được tái thiết
 

2. Dự án tái thiết công trình Chiêu Kính Điện (Huế, Việt Nam)

Di tích kiến trúc Chiêu Kính Điện (昭敬殿) tọa lạc trong khu vực Thái Miếu – Hoàng Thành Huế, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), dùng làm nơi thiết soạn lễ vật trong ngày giỗ kỵ các Tiên Đế và Tiên Hậu của Hoàng tộc Nguyễn. Toàn bộ hệ mái và hệ khung gỗ của công trình đã bị thiêu hủy vào năm 1947, tính đến trước thời điển tái thiết, công trình chỉ còn lại phế tích nền móng (hình 12).

Dựa trên kết quả nghiên cứu công trình đồng dạng và đồng đại là Long Đức Điện (công trình hiện còn) kết hợp với phương pháp nghiên cứu đa ngành để xây dựng lại bản vẽ thiết kế nguyên bản của công trình Chiêu Kính Điện. Đây là sự đúc kết bước đầu phương pháp luận và qui trình nghiên cứu tái thiết di sản kiến trúc đã bị mất (thuộc chương dự án tác nghiên cứu bảo tồn giữa Đại học Monozukuri – Nhật bản và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế). Dự án bắt đầu từ tháng 9/2010 và hoàn thành vào tháng 8/2014, hạng mục trùng tu là nền móng công trình, hạng mục tái thiết là hệ khung gỗ và hệ mái lợp.
3. Dự án nghiên cứu tái thiết công trình Cần Chánh Điện (Huế, Việt Nam)
Di tích kiến trúc Cần Chánh Điện (勤政殿) tọa lạc ở vị trí trung tâm của Tử Cấm Thành, thuộc Hoàng thành Huế, được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), là nơi làm việc của các Hoàng đế và Nội các triều Nguyễn (1802-1945). Toàn bộ hệ khung gỗ và hệ mái đã bị thiêu hủy vào năm 1947, chỉ còn lại phế tích nền móng tồn tại từ khi nó được xây dựng cho đến ngày nay (hình 13, 14).

Chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, Đại học Waseda – Nhật Bản và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (1994 – 2010) đã thực hiện một chuỗi các nghiên cứu cơ bản về Quần thể Di tích Huế nhằm xác định phương pháp thiết kế và hệ thống tỉ lệ kiến trúc Cung Điện Huế, tổng hợp kết quả nghiên cứu để phục hồi lại bản vẽ thiết kế kiến trúc [10]. Các hạng mục dự kiến đối với dự án tái thiết Cần

Chánh Điện cũng sẽ tương tự như ví dụ tiền lệ là công trình Chiêu Kính Điện nêu trên, hạng mục trùng tu sẽ là nền móng công trình, hạng mục tái thiết sẽ là hệ khung gỗ, hệ mái lợp và toàn bộ phần trang trí nội ngoại thất. Công trình Cần Chánh Điện được tái thiết sẽ là thành quả to lớn của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.